Đang cập nhật !
1. Thế nào là nhà chưa hoàn công?
Hiện nay pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về hoàn công nhà ở. Tuy nhiên, có thể hiểu hoàn công nhà ở là cách thường gọi để chỉ thủ tục nghiệm thu công trình hoặc nhà ở, nhằm xác nhận việc các bên đầu tư, thi công đã hoàn thành nhà ở sau khi được cấp giấy phép xây dựng.
Có thể thấy, đây là bước cuối cùng trong quá trình hoàn tất xây dựng nhà ở. Sau khi thực hiện thủ tục này chủ căn nhà mới có thể xác lập quyền sở hữu trên giấy tờ.
Cũng từ cách hiểu trên suy ra nhà chưa hoàn công là nhà ở chưa thực hiện thủ tục nghiệm thu, từ đó chưa xác nhận việc các bên đầu tư, thi công đã hoàn thành nhà ở sau khi cấp giấy phép xây dựng.
Trên thực tế, nhà chưa hoàn công có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như:
– Nhà không đủ điều kiện hoàn công;
– Chủ nhà trốn tránh các nghĩa vụ tài chính;
– Do việc xây dựng trái quy định pháp luật…
2. Nhà chưa hoàn công có bị phạt không?
Hoàn công nhà ở được xem là khâu quan trọng để xác lập quyền sở hữu nhà. Điều này cũng có nghĩa nếu một căn nhà đã hoàn thành xây dựng nhưng thiếu giấy tờ hoàn công thì được xem là không đảm bảo điều kiện pháp lý khi sở hữu.
Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể liên quan đến thời gian hoàn công sau khi hoàn thành xây dựng. Do đó chưa đủ căn cứ để xác định nhà chưa hoàn công có phải là vi phạm pháp luật hay không.
Tuy nhiên, việc chưa làm thủ tục hoàn công xây dựng nhà ở sẽ làm hạn chế quyền của người sở hữu nhà ở như mua bán, chuyển nhượng nhà ở,… thậm chí là có nguy cơ bị thu hồi.
Nội dung này đã được nêu rõ tại khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2020 về điều kiện nhà ở tham gia giao dịch như sau:
Điều 118. Điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch
1. Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
c) Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Các điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
3. Rủi ro có thể gặp phải khi mua nhà chưa hoàn công
Tình trạng nhà chưa hoàn công nhưng được đem rao bán xuất hiện khá phổ biến, người mua nếu không tỉnh táo có thể sẽ gặp phải những rủi ro như:
– Trường hợp nhà đã có Sổ đỏ mà chưa được hoàn công thì người mua chỉ có thể ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không thể chuyển nhượng nhà nằm trên đất. Nói cách khác, người mua không có quyền sở hữu nhà trên đất mà chỉ có quyền sử dụng đất.
– Trong trường hợp giấy phép xây dựng đứng tên chủ sở hữu cũ thì người mua sau này nếu muốn thực hiện hoàn công sẽ cần xin chữ ký của chủ cũ, điều này sẽ rất mất thời gian và có thể gặp nhiều khó khăn nếu họ không chịu hợp tác.
– Trường hợp nhà nằm trong quy hoạch, người mua có thể sẽ không được xem xét đền bù giải phóng mặt bằng do không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản…